(GDVN) - Việc tổ chức thi giáo viên giỏi vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều và cũng sẽ khó đi đến hồi kết, thực tế phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.
LTS: Đưa ra quan điểm cũng như ý kiến của mình về việc có nên bỏ hay vẫn giữ kỳ thi giáo viên dạy giỏi, thầy Nhật Khoa đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp luôn nhận được sự quan tâm của lực lượng giáo viên cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm sao vừa đơn giản, vừa tôn vinh, ghi nhận được giáo viên thật sự giỏi, có tài, có đức.
Trước đây Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1 năm 2019, ngày 26/3, vấn đề giảm tải áp lực cho giáo viên là nội dung được báo chí quan tâm.
Vấn đề này được ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ông Hoàng Đức Minh cho biết, việc này luôn được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm trong những năm qua.
Liên quan đến các cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, ông Hoàng Đức Minh thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dự thảo sửa đổi quy định về 2 kỳ thi trên theo hướng chuyển việc thi sang xét giáo viên giỏi thông qua tiêu chí cốt lõi của chuẩn nghề nghiệp.
Với giáo viên chủ nhiệm giỏi thì gắn với các tiêu chí về giáo dục; với giáo viên dạy giỏi, gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp.
Tiến tới công nhận thông qua hậu kiểm, qua tiến bộ của người học, qua tín nhiệm của phụ huynh học sinh và cộng đồng.
Giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh: Baoquangbinh.vn).
Tuy nhiên, mới đây nhất theo chia sẻ của Bà Cù Thị Thủy - Phó trưởng phòng, phụ trách Phòng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì việc thi giáo viên giỏi sắp tới vẫn còn nhưng sẽ bỏ bớt một số bất cập như sáng kiến kinh nghiệm, thi năng lực...
Có thể thấy rằng, ngay từ chính phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiều ý kiến khác nhau, vấn đề bỏ hay giữ kỳ thi giáo viên giỏi các cấp sẽ là một tranh cãi khó có hồi kết.
Một bên là quan điểm nên giữ kỳ thi giáo viên giỏi
Khá nhiều ý kiến cho rằng nên giữ lại kỳ thi giáo viên giỏi vì nó là một sân chơi nhiều ý nghĩa, qua đó ghi nhận, tôn vinh sự cố gắng của giáo viên thể hiện trong kỳ thi, qua kỳ thi giáo viên cũng được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp để có thêm kiến thức, thái độ và kinh nghiệm trong dạy và học.
Qua hội thi nhiều giáo viên bộc lộ được năng khiếu, bản lĩnh đứng lớp, tự tin hơn trong giảng dạy cũng như học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp một cách tích cực.
Nhiều giáo viên nêu quan điểm nếu hội thi được tổ chức nhẹ nhàng, phần thưởng, tôn vinh xứng đáng, ban giám khảo khách quan, công tâm…thì sẽ có nhiều giáo viên tự nguyện đăng ký dự thi giáo viên giỏi các cấp mà không phải bị “ép” chỉ tiêu thi hiện nay.
Một số ý kiến bạn đọc tán thành những thay đổi về hội thi giáo viên giỏi, nhưng nên có các tiêu chí phụ từ việc đánh giá của học sinh, kết quả hướng dẫn học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi đạt giải, thi thực hành tại trường, công khai điểm chấm tại chỗ; chia cụm giám khảo để giám sát hay việc đề xuất tất cả các hoạt động này phải được giám sát bằng camera và lưu lại băng để làm bằng chứng khi có khiếu nại xảy ra.
Thi giáo viên dạy giỏi, sao lại khó khăn đến thế?
Quan điểm đề nghị bỏ hoặc chỉ xét giáo viên giỏi
Bên cạnh những ý kiến đồng ý còn có rất nhiều ý kiến đề nghị bỏ hẳn kỳ thi giáo viên giỏi bởi vì nếu vẫn giữ kỳ thi thì vẫn còn “diễn”, vẫn còn tiêu cực, nếu còn thi thì lực lượng ban giám khảo cũng là một dấu hỏi lớn.
Hiện nay, việc các Sở/Phòng giáo dục giao chỉ tiêu thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi mỗi môn, mỗi trường phải đạt bao nhiêu giáo viên vô hình trung tạo áp lực không đáng có lên giáo viên, họ cảm thấy bị ép đi thi…
Rồi việc cạnh tranh giữa trường này trường kia, hay so sánh số giáo viên giỏi giữa huyện này và huyện kia, nên có tình trạng chạy theo chỉ tiêu giáo viên giỏi, có một số người còn cho rằng có tình trạng “giải cứu” giáo viên giỏi cho đạt chỉ tiêu cấp trên giao.
Một số người lại cho rằng, việc nói hội thi giáo viên giỏi là “sân chơi” , là “cơ hội bồi dưỡng chuyên môn”... Đó chỉ là lý thuyết, không tác dụng là mấy mà “lợi bất cập hại”.
Có rất nhiều “sân chơi” khác và những biện pháp “bồi dưỡng chuyên môn khác” có ích và hiệu quả hơn nhiều như tổ chức các chuyên đề, giao lưu chuyên môn, kiến thức…cho giáo viên.
Bên cạnh đó, khái niệm giáo viên giỏi là rất mơ hồ, trừu tượng đôi khi phù hợp với tiêu chí của giám khảo này nhưng lại không phù hợp tiêu chí của giám khảo khác, hay việc có thể phương pháp này phù hợp với đối tượng học sinh này nhưng không phù hợp với học sinh khác, nó không định lượng được một cách cụ thể rõ ràng, kết quả thi dựa vào cảm nhận chủ quan của ban giám khảo, nên kết quả đôi khi chưa ghi nhận đúng thực tế diễn ra tại đơn vị.
Việc “chạy chọt”, “quà cáp”, tiêu cực sẽ khó mà chấm dứt nếu vẫn còn tổ chức hội thi giáo viên giỏi.
Việc vinh danh giáo viên tốt, giỏi nên để học sinh ghi nhận và cũng không cần tôn vinh, vì nghề của giáo viên là giảng dạy cho học sinh được tốt.
Một số ý kiến nêu quan điểm qua hội thi việc học tập chuyên môn, nghiệp vụ là hầu như không có. Một, hai tiết dự thi không đánh giá là giáo viên giỏi. Quan trọng là cả năm, dạy được gì cho lớp mình tiến bộ, được học sinh tin yêu, tín nhiệm.
Thực tế có giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi nhưng chưa bao giờ dạy được một học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh hay chưa bao giờ được đồng nghiệp học sinh ghi nhận.
Trong khi đó, có giáo viên đào tạo được nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia nhưng không bao giờ được công nhận là giáo viên dạy giỏi.
Do đó, một số ý kiến cho rằng, còn tổ chức hội thi sẽ còn “diễn”, sẽ còn tiêu cực, còn hình thức, còn bệnh thành tích…
Thi giáo viên dạy giỏi: Nên giữ hay bỏ?
Tạm thời nên hoãn cuộc thi giáo viên giỏi
Việc tổ chức thi giáo viên giỏi vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều và cũng sẽ khó đi đến hồi kết, thực tế phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Theo thiển ý của tôi, trong giai đoạn sắp tới ngành giáo dục ở cả phía cán bộ quản lý giáo dục đến giáo viên sẽ có vô vàn công việc phức tạp khó khăn, gian nan ở phía trước.
Về phía giáo viên, sắp tới đây từ năm học 2020 – 2021 đến hết năm học 2024 – 2025 giai đoạn triển khai chương trình phổ thông mới theo hướng thay đổi căn bản toàn diện giáo dục từ lớp 1 đến 12 theo hình thức cuốn chiếu, do đó giáo viên sẽ phải tập huấn nội dung, chương trình, sách giáo khoa, đổi mới kiểm tra đánh giá…trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, giáo viên các môn học mới sẽ phải học thêm chứng chỉ để đáp ứng đủ điều kiện giảng dạy các môn học mới như môn Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Lý, Hóa, Sinh), Sử và Địa (tích hợp môn Sử, Địa) thì những bộ môn này dự kiến phải tập huấn thêm mỗi phân môn dự kiến 300 tiết để đủ điều kiện giảng dạy, ngoài ra còn các môn học mới như trải nghiệm, ngoại ngữ 2…sẽ khiến giáo viên khá vất vả trong giai đoạn sắp tới.
Không những thế, khi mà Luật giáo dục mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì chuẩn trình độ đào tạo sẽ được nâng lên như giáo viên mầm non lên cao đẳng sư phạm, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có bằng đại học, thì phải có hàng vạn giáo viên thậm chí hơn nữa phải học tập nâng chuẩn, đây cũng là nhiệm vụ không phải dễ dàng.
Do đó, giai đoạn này tôi cho rằng, với số lượng công việc rất nặng nề trong giai đoạn tới, thì việc tạm hoãn hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi là một điều rất nên làm để giáo viên yên tâm công tác, học tập nâng chuẩn, học tập chương trình sách giáo khoa mới, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
Đến năm 2026 khi mà mọi việc đã ổn định, khi đó chương trình giáo dục và giáo viên đã đạt chuẩn trình độ đào tạo thì lúc đó sẽ dựa trên quá trình thực tế mà nghiên cứu tổ chức hội thi giáo viên giỏi các cấp cho phù hợp.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu tâm vấn đề trên, lúc này mà tổ chức hội thi giáo viên giỏi sẽ không phù hợp, sẽ khó mà có được hiệu quả như mong muốn trong khi giáo viên có rất nhiều việc cần phải làm hơn.
NHẬT KHOA