Phương pháp giáo dục phù hợp sẽ mang lại hiệu quả giáo dục. Ảnh: T.G.
GD&TĐ - Ở lứa tuổi học sinh phổ thông, sự phát triển tinh thần, thể chất chưa hoàn thiện. Trong khi đó các em chịu nhiều tác động, áp lực… từ xã hội, học tập, bè bạn. Chính vì vậy, việc giáo dục học sinh ở lứa tuổi này không đơn giản và luôn đòi hỏi những người thầy sự thấu hiểu trong tư duy, đổi mới phương pháp giáo dục.
Áp lực tuổi “ô mai”
Trong cuộc sống hiện đại, học trò ở lứa tuổi THCS, THPT… phải chịu khá nhiều áp lực từ cuộc sống. Điều đó trở thành những tác nhân khiến tâm lý, tính cách một bộ phận học sinh có sự biến đổi và phát triển không theo chuẩn mực, sự mong muốn của gia đình, nhà trường và xã hội.
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay khiến học sinh bị hút vào vòng xoáy của giải trí, văn hóa và thế giới mạng. Hệ quả nhiều em trở nên ham mê, tiêu tốn thời gian cho vui chơi giải trí mà quên đi học tập.
Các em cũng trở nên thụ động, máy móc trong cuộc sống hiện đại, hình thành những hình thái tâm lý đặc biệt, xa rời bản chất nhân văn.
Lối sống bản năng dễ trỗi dậy và chi phối cả hành vi lẫn lối sống. Không ít học sinh chỉ thích sự ồn ào và thô ráp thay cho lối sống giản dị, chân thực, giàu tình cảm, có tình người.
Mặt khác, trong một xã hội văn minh, bên cạnh yếu tố tích cực thì cũng dễ dàng kéo học sinh tới cách sống hưởng thụ và tâm lý thực dụng, buông thả, ăn chơi trác táng, phô diễn đua đòi. Nhiều em rơi vào lối sống không có mục đích, thụ động, thiếu ý chí, nghị lực và mất dần khả năng sáng tạo.
Cô Nguyễn Thị Thuận – Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) cho biết: không ít học sinh có lối sống lạnh lùng, hời hợt, vô cảm, thiếu khả năng bộc lộ thái độ và cảm xúc đúng đắn trước những cảnh huống trong đời sống hàng ngày.
Lối hành xử thiếu suy nghĩ, đầy bạo lực do ảnh hưởng từ thế giới ảo tác động đến học sinh khiến hiện tượng bạo lực học đường ngày càng nhức nhối trong xã hội.
Ngoài những áp lực của xã hội, không thể phủ nhận thực tế học sinh còn chịu tác động nhất định từ gia đình, nhà trường. Phải dành quá nhiều thời gian cho học tập, trí não luôn căng thẳng dẫn tới sự phân hóa rõ rệt trong sự phát triển năng lực của tuổi học sinh.
Với áp lực của học tập khiến một số học sinh rơi vào tình trạng già nua, cằn cỗi, đời sống tinh thần trở nên nghèo nàn và ích kỷ. Một số khác lại trở nên bị động, đối phó trong học tập, thiếu trung thực, thiếu niềm tin, ý chí và nghị lực, dễ trở nên hoang mang dao động trước cuộc sống…
Có thể thấy, những áp lực như hiện nay đã khiến học sinh không khỏi lúng túng, bỡ ngỡ. Các em trở nên lầm lạc trong việc lựa chọn hành vi và lối sống tích cực. Các em dễ mắc những sai lầm không chỉ trong hành vi mà cả trong lối sống khiến các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội phải băn khoăn, lo lắng.
Đổi mới trong tư duy giáo dục
Làm sao để giúp học sinh thoát khỏi những áp lực, ảnh hưởng của xã hội hiện đại? Làm gì để xây dựng môi trường học đường văn hóa, giúp học sinh không chỉ hoàn thiện tri thức mà còn cả nhân cách, cảm nhận niềm vui hạnh phúc mỗi khi tới trường?... Điều đó đòi hỏi người thầy sự đổi mới trong tư duy giáo dục, điều chỉnh phương pháp giáo dục sao cho linh hoạt phù hợp nhất.
Thầy giáo Đỗ Văn Giảng – Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: Giáo dục truyền thống coi trọng giáo dục nhân cách. Tác động vào học sinh với vai trò chủ thể là thầy và theo quan niệm thầy là nhân tố quyết định: “Không thầy đố mày làm nên”.
Quan niệm đó dẫn tới cách làm áp đặt về nhận thức, không coi trọng khả năng và quá trình tự nhận thức của học sinh, chỉ nhìn vào những khuyết điểm của học sinh, phủ nhận hoàn toàn nhân cách của các em, gây nên hiệu ứng tâm lý tiêu cực...
Mặt khác, cách giáo dục nêu gương cũng khá phổ biến trong các phương pháp giáo dục truyền thống. Bên cạnh mặt tích cực cũng thể hiện sự máy móc xa rời thực tiễn cuộc sống hiện tại. Nhiều tấm gương được đưa ra giáo dục nhưng học sinh hiện nay khó có thể làm theo bởi đó là những tấm gương hi sinh cao cả khiến học sinh chỉ có thể biết ơn và thán phục.
Trong giáo dục hiện đại, người thầy phải hội tụ được những phẩm chất quan trọng như: Yêu thương, tôn trọng, biết lắng nghe, chia sẻ, cảm thông giúp đỡ HS với tấm lòng khoan dung và độ lượng. Không nên lập luận do lo lắng cho HS nên phải có những biện pháp nhằm tác động vào lòng tự ái của HS, buộc các em phải thay đổi... thầy Đỗ Văn Giảng khẳng định.
Cách giáo dục truyền thống của nhiều thầy cô cũng bộc lộ điểm yếu khi không có khả năng kiểm soát quá trình rèn luyện hoàn thiện nhân cách học sinh một cách khách quan và khoa học. Nó mang nặng cảm tính, thiếu một cách nhìn nhận đánh giá toàn diện mang đậm tính người nhằm giúp học sinh hiểu đúng về mình từ đó có đủ niềm tin để vươn tới sự hoàn thiện hơn về nhân cách.
Như vậy, việc điều chỉnh phương pháp giáo dục là đòi hỏi tất yếu để mang lại hiệu quả giáo dục nói chung, tạo nên một trường học hạnh phúc cho học sinh nói riêng.
Thầy Giảng bày tỏ quan điểm: Người thầy cần tránh khuynh hướng cầu toàn, đòi hỏi tuyệt đối trong giáo dục học sinh bởi như vậy có khi dẫn tới sự phủ nhận và cố chấp dễ gây cho học sinh tâm lý bi quan, trở nên nhu nhược, thiếu tự tin, thụ động không có khả năng sáng tạo và dễ trở thành những con người chỉ biết tuân thủ và thuần thục.
Mặt khác, người thầy cần tránh đối xử thiên vị, thiếu công bằng với học sinh. Khuynh hướng này dễ xảy ra do thành kiến giữa thầy và trò hoặc từ các mối quan hệ tế nhị khác. Cách đối xử như vậy cũng dễ gây bức xúc mất niềm tin trong học sinh, từ đó gây ra những hậu quả khó lường trong quan hệ thầy trò, làm tổn thất uy tín của người thầy.
TS Vũ Việt Anh – Chuyên gia Tâm lý giáo dục (Học viện Thành Công – Hà Nội) cũng có quan điểm: Ở độ tuổi mới trưởng thành, học sinh khó có khả năng làm chủ mình để vượt qua những nhận xét đánh giá nặng nề. Thầy cô không thể phê phán thiếu khoa học khiến học sinh cảm giác bị xúc phạm và từ dó dẫn tới những hiệu ứng tâm lý tiêu cực.
Trước những biểu hiện tiêu cực của học sinh, người thầy cần tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để có giải pháp giáo dục thích hợp. Đặc biệt, người thầy cần gương mẫu và công bằng; trọng danh dự và giữ lời hứa. Phẩm chất đó sẽ chi phối mọi thái độ và cách ứng xử hơp lý có trước có sau và cách làm việc chu đáo, thấu hiểu trong giáo dục học sinh.
Đức Trí