26/07/2019 14:15        

Làm thế nào để dạy môn lịch sử địa phương hiệu quả?

Để có giờ dạy lịch sử đia phương hấp dẫn, giáo viên cần đầu tư vào việc sưu tầm, nghiên cứu tài liệu.

GD&TĐ - Để có tiết dạy lịch sử hấp dẫn đã khó, với nội dung lịch sử địa phương, làm sao để học sinh hào hứng, bị thu hút còn khó khăn hơn. Trăn trở vì điều này, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Tổ trưởng tổ chuyên môn Trường THPT Thanh Sơn (Phú Thọ) – đã chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích.

Vì sao giáo viên ít hứng thú với lịch sử địa phương?

Từ thực tế dạy học bộ môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho rằng: Nhiều giáo viên chỉ chú trọng nội dung kiến thức dân tộc đã trình bày ở sách giáo khoa. Việc liên hệ thực tế những sự kiện lịch sử địa phương hoặc sử dụng tư liệu lịch sử địa phương trong dạy học nội khóa đa số giáo viên ít được chú trọng.

Hạn chế này, trước hết là do giáo viên còn khó khăn trong việc xác định nội dung tư liệu về lịch sử địa phương cho một tiết dạy, nên chưa xây dựng được kế hoạch, nội dung của một bài giảng lịch sử địa phương.

Sự chuẩn bị một tiết dạy lịch sử địa phương của giáo viên còn sơ sài nên khi tổ chức giảng dạy vài lần không thành công, giáo viên lại xem nhẹ nội dung này.

Bên cạnh đó, phân bố chương trình cả năm đối với khối 10, 12 là 52 tiết và đối với khối 11 là 35 tiết. Trong đó, nội dung chương trình lịch sử địa phương lại phân bố ở cuối học kỳ nên đa số giáo viên lại sử dụng số tiết này vào ôn tập học kỳ.

Sách giáo khoa và sách giáo viên không có hướng dẫn cụ thể về nội dung hình thức cho từng tiết dạy.

Mỗi địa phương có một truyền thống lịch sử khác nhau. Thầy cô giáo muốn dạy tốt tiết lịch sử địa phương thường phải bỏ ra rất nhiều công sức tìm tòi, sưu tầm tài liệu.

Cô Hạnh chia sẻ, việc sưu tầm tư liệu phục vụ cho tiết dạy lịch sử địa phương rất mất thời gian (chỉ ở những địa phương có di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia hoặc các nơi có danh nhân nổi tiếng mới có sẵn tư liệu để dạy).

Mặt khác, nguồn tư liệu về thần phả địa phương không có căn cứ nào, chủ yếu dựa vào các câu chuyện truyền lại trong dân gian, vì thế những kiến thức lịch sử địa phương có khi chính những người trông coi di tích cũng không nắm vững nên việc cung cấp kiến thức lịch sử địa phương cho các thầy cô giáo quả là điều khó.

“Vì những nguyên nhân trên, tiết dạy lịch sử địa phương đã bị nhiều giáo viên xem nhẹ, thậm chí là bỏ qua” – cô Hạnh cho hay.

Làm gì để có tiết học Lịch sử hiệu quả?

Để tổ chức giảng dạy lịch sử địa phương có hiệu quả, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho rằng, người giáo viên phải thực hiện theo quy trình đảm bảo tính khoa học và chặt chẽ.

Theo đó, quy trình tổ chức giảng dạy lịch sử địa phương gồm các bước liên hoàn với nhau: Xác định chủ đề dạy học; xác định nội dung và xây dựng hình thức tổ chức cho bài học; chuẩn bị tư liệu, học liệu dạy học; tiến hành bài học và đánh giá, rút kinh nghiệm sau khi tiến hành bài học.

Lựa chọn hình thức dạy học lịch sử địa phương cũng quan trọng với dạy học tại thực địa. Cô Hạnh lưu ý, việc chọn sự kiện và địa điểm học tại thực địa phải phù hợp với nội dung, yêu cầu khuôn khổ tiết học, với điều kiện tiến hành.

Việc chuẩn bị bài giảng ở thực địa có ý nghĩa rất lớn đối với sự thành công của bài học, trong đó điều cần quan tâm đầu tiên là tổ chức biên soạn bài dạy nội khoá tại thực địa di tích lịch sử.

Bài giảng do giáo viên biên soạn dựa theo tư liệu của địa phương, tài liệu tự biên soạn phải được các cơ quan có trách nhiệm ở trường, địa phương thông qua góp ý kiến.

Dạy học trên lớp cũng là phương pháp dạy học phổ biến hơn cả vì nó phù hợp với thời lượng của chương trình và đồng thời còn phụ thuộc vào điều kiện, kinh phí của mỗi trường.

Với điều kiện cụ thể của trường THPT Thanh Sơn, đối với khối lớp 10, nhóm Sử đã lựa chọn hình thức dạy học tại thực địa, còn đối với khối lớp 11 và 12 lựa chọn hình thức dạy học trên lớp.

“Tóm lại, để dạy học lịch sử địa phương hiệu quả, giáo viên phải đầu tư vào việc sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, những nội dung đưa vào bài giảng phải đảm bảo tính khoa học và đáp ứng kiến thức cơ bản; cần thận trọng, tránh áp đặt máy móc” – cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ kinh nghiệm.

Hải Bình

 
Danh mục
Liên kết banner
Liên kết web
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập: 2949321
Số người trực tuyến
   Hiện có: 10   Khách